Chiều 15/1/2024, Trường Đại học Hạ Long tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam - REVFIN”. Đây là Dự án do Bộ Môi trường, bảo tồn tài nguyên, an ninh nguyên tử và bảo vệ người tiêu dùng của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Trường Osfalia (Đức) phối hợp với Trường Đại học Nha Trang và 25 đối tác tại Việt Nam.
Quang cảnh chương trình Hội thảo
Tham gia Hội thảo, về phía Trường Đại học Hạ Long có TS Nguyễn Đức Tiệp (Hiệu trưởng), TS Trần Trung Vỹ (Phó Hiệu trưởng), TS Đặng Hoàng Thông (Chủ tịch Hội đồng Trường), TS Phan Thị Huệ (Phó Hiệu trưởng) cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Trường. Về phía đại biểu có các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Otsfalia (Đức), các đại biểu đến từ Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Kiên Giang, Viện nghiên cứu Hải sản, Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá Ngừ, Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Trường Phát, các Sở, Ban, Ngành, Địa phương của tỉnh Quảng Ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhấn mạnh: Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Nhằm giảm thiểu rác thải biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, văn bản về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Đặc biệt, tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2025, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, đến năm 2030, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển”.
Với nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển như có hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 hải đảo… và có tới 9/13 địa phương tiếp giáp với biển, những năm qua, việc giữ gìn môi trường biển được cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”. Điều này được minh chứng thông qua các văn bản chỉ đạo của tỉnh, được doanh nghiệp và cộng đồng nghiêm túc thực hiện như: Chuyển đổi phao xốp sử dụng trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi nilon; đánh bắt, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Phát huy vai trò là cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh; đồng thời triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng – chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong những lĩnh vực mà xã hội quan tâm, Trường Đại học Hạ Long cũng đã triển khai nhiều hoạt động cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường như: Nói không với rác thải nhựa, thành lập Câu lạc bộ tái chế xanh, Ngày chủ nhật xanh, tham gia xây dựng “Mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long…
Từ năm 2021, thông qua sự điều phối của Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Hạ Long được tiếp cận thông tin và kết nối với Trường Đại học Ostfalia ở Đức cũng như các đối tác khác tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án REVFIN; tích cực khảo sát và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến rác thải ngư cụ tại vùng biển Quảng Ninh.
Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan.
Hội thảo lần này diễn ra từ ngày 15-17/1/2024, sẽ tập trung phân tích đánh giá hiện trạng rác thải ngư cụ trên vùng biển Việt Nam thông qua kết quả khảo sát do các thành viên của dự án thực hiện trong năm 2023 tại một số vùng biển tiêu biểu của Việt Nam như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa và Kiên Giang; đồng thời xác định và đánh giá các phương pháp tái chế chất thải thủy sản nhằm giảm ô nhiễm đại dương. Trên cơ sở đó đưa ra các kế hoạch, giải pháp cần thiết để dự án tiếp tục được phát huy trong thời gian tới và đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm