Nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy tiếng Việt cho những lưu học sinh Lào tại Việt Nam, Tiến sỹ văn học Bùi Thị Lan Hương (Trường Đại học Hạ Long) luôn hết mình với công việc. Với chị dạy tiếng Việt là hành trình giúp các du học sinh mở cánh cửa khám phá tri thức, khám phá văn hóa Việt Nam.
Với giọng nói ngọt ngào, truyền cảm mà chuẩn mực, qua mỗi tiết học, TS Bùi Thị Lan Hương như đưa các du học sinh chu du tới những miền đất, những vùng văn hóa của Việt Nam mà qua mỗi hành trình, các em lại sử dụng tiếng Việt thành thạo hơn.
Tính đến nay, TS Bùi Thị Lan Hương đã có gần chục năm vừa làm thầy vừa làm bạn với những du học sinh Lào. Nhớ lại khóa đầu tiên, chị cho biết mình và đồng nghiệp ban đầu gặp phải rất nhiều khó khăn vì đối tượng, nội dung dạy học đều mới. Các giáo viên dạy tiếng Việt trong trường (khi đó là Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh) không ai biết tiếng Lào và cũng chưa ai từng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài bao giờ. Để khắc phục khó khăn này, nhà trường đã mời 1 giáo viên có kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào từ Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái về trường công tác, cùng đồng hành với các thầy cô dạy tiếng Việt của nhà trường trong suốt khóa đầu tiên (khóa 1).
Tiến sĩ Bùi Thị Thu Hương (đứng giữa) và các du học sinh Lào khoá 9.
Ảnh nhân vật cung cấp.
Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và ý thức học hỏi cầu thị, các thầy cô giáo khi đó đã tranh thủ nghiên cứu tài liệu, chỉnh sửa chương trình đã có của Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, lên kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế; tranh thủ dự giờ, học hỏi phương pháp truyền đạt cũng như kinh nghiệm dạy từ giáo viên Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái và tranh thủ học hỏi tiếng Lào. Cứ như thế, khóa học đầu tiên qua đi một cách thuận lợi và gặt hái được những kết quả bước đầu.
Đến khóa thứ 2, các thầy cô giáo của trường đã có thể tự tin đứng lớp. Chương trình và tài liệu dạy học được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hàng năm, nhằm đảm bảo việc dạy và học tiếng Việt với lưu học sinh Lào diễn ra thuận lợi, hiệu quả nhất.
Với mong muốn có được bộ tài liệu giảng dạy tiếng Việt dùng cho người nước ngoài chất lượng, bám sát Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài được quy định trong Thông tư số 17/2015/TT-BGĐĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Hương cùng các giảng viên trong khoa đang nỗ lực biên soạn bộ 4 cuốn tài liệu là tiếng Việt sơ cấp bậc 1, bậc 2, Tiếng Việt trung cấp bậc 3 và bậc 4, dự kiến hoàn thành và đưa vào giảng dạy cho du học sinh Lào từ K10.
10 năm “lái đò” là 10 năm đầy ắp kỷ niệm với TS Hương. Chị là người thầy Việt Nam đầu tiên với nhiều thế hệ du học sinh Lào. Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp khóa tiếng Việt mà chị giảng dạy sau đó đã có công cụ và chìa khóa để học tập và nghiên cứu chuyên sâu tại các trường đại học và cao đẳng trong tỉnh Quảng Ninh và trên cả nước. Đến nay, đã có 5 khóa học sinh mà TS Bùi Thị Lan Hương giảng dạy, tốt nghiệp cử nhân tại các trường đại học và cao đẳng tại Quảng Ninh. Rất nhiều sinh viên trong số đó chọn về nước công tác, số khác thì chọn ở lại Hà Nội để học cao học, hoặc trở về Lào vừa làm vừa học tiếp cao học… Song dù lựa chọn có thế nào, món quà tiếng Việt mà TS Hương và các thầy cô thuộc Tổ tiếng Việt và ngữ văn thuộc Khoa Sư phạm Trường Đại học Hạ Long đã trở thành chìa khóa vàng giúp mở ra cả chân trời tri thức cho các sinh viên Lào.
Với TS Bùi Thị Lan Hương, việc giảng dạy tiếng Việt mang lại cho chị hạnh phúc lớn lao, công việc không chỉ giúp chị thỏa sức đắm mình với tiếng mẹ đẻ mà còn trao cho chị sứ mệnh trở thành người lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam tới sinh viên của Lào, bắc nhịp cầu văn hóa, hữu nghị giữa 2 nước Việt – Lào.
TS Bùi Thị Lan Hương chia sẻ: Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là sau mỗi khóa học thấy các em trưởng thành và sau khi tốt nghiệp đại học, lời trang trọng đầu tiên mỗi sinh viên Lào gửi tặng cho con người và mảnh đất Quảng Ninh là cảm ơn các thầy cô giáo dạy tiếng Việt: Không có thầy cô dạy tiếng Việt cho chúng em thì chúng em không có được ngày hôm nay.