Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống hiếu học là yếu tố quan trọng để tạo nên trí tuệ Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam và đạo đức con người Việt Nam, góp phần hình thành nên nền văn hiến của đất nước.
Với ý thức: ”Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện” (Học không biết chán, dạy người không biết mỏi), ông bà ta xưa dù nghèo mấy cũng cố cho con đi học kiếm dăm ba chữ để làm người. Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu chuyện về những tấm gương hiếu học. Điển hình như là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272 -1346) thời Trần. Giai thoại rằng, thuở nhỏ, Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo, ngày nào cũng phải vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ. Không có tiền ăn học nhưng cậu bé rất thèm được học. Mỗi lần gánh củi qua trường học gần nhà, cậu lại ngấp nghé học lỏm. Thầy giáo thấy cậu bé nhà nghèo mà hiếu học bèn cho phép vào trường. Buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thì giờ đọc sách vì ban ngày cậu phải làm việc khác. Không có đèn dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm ấy, vượt qua hàng nghìn sĩ tử, Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) khi chưa đầy 20 tuổi.
Một trong các tác phẩm văn học mang tính răn dạy cao về truyền thống hiếu học mà hẳn ai cũng biết đó là tích truyện Lưu Bình – Dương Lễ. Xoay quanh ba nhân vật Dương Lễ, Lưu Bình và nàng Châu Long (vợ Dương Lễ), không chỉ toát lên tình bạn cảm động mà xuyên suốt còn là thông điệp mọi người cần phải học, học mới thành tài. Từ truyền thống hiếu học hình thành đức tính cầu học, cầu tiến. Từ đó hình thành tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều…”… Lịch sử dân tộc đã từng biết đến rất nhiều tấm gương hiếu học sáng ngời của các bậc hiền tài, như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh… Mỗi giai thoại, tích truyện đều có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học sâu sắc và còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ mối nguy cơ về sự thất học, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên Người đã chỉ đạo một trong những việc cần làm ngay là diệt “giặc dốt”. Một phong trào bình dân học vụ nhằm xóa mù chữ quốc ngữ được phát động và tổ chức rộng rãi cả nước, kích thích mạnh mẽ tâm lý hiếu học của dân tộc. Phong trào đã được toàn dân hưởng ứng tích cực. Sau 5 năm phát động, Phong trào bình dân học vụ đã giúp cho hơn 10 triệu người trong tổng số 25 triệu dân số Việt Nam biết đọc, biết viết. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa I quyết định đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa. Nhờ vậy mà dân trí Việt Nam, trí tuệ Việt Nam tăng nhanh hơn bao giờ hết.
Đất nước ta đang trên đường phát triển. Từ truyền thống hiếu học trải qua hàng ngàn năm và những bài học từ lịch sử để lại giúp chúng ta nhận thức hơn nữa vai trò của hiếu học và khuyến học, khuyến tài. Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã hình thành nên nhiều phong trào khuyến học, khuyến tài trong các gia đình, dòng họ, thôn, bản, xã, phường… Ở Quảng Ninh, phong trào đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào hiếu học trong cộng đồng. Đây là những việc làm ý nghĩa, bởi thế kỷ XXI, nhiều quốc gia tiến hành xây dựng một nền giáo dục mới theo hướng xã hội học tập. Đó là một xã hội mà mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần đều có cơ hội học tập như nhau và học tập suốt đời. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay cần phát huy truyền thống hiếu học, vượt mọi khó khăn để học tốt, đạt đỉnh cao trí tuệ. Qua đó, mà góp phần xây dựng một nước Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hằng mong muốn.