Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành nhiều tình cảm yêu thương mà còn dành nhiều tâm sức chăm lo, dìu dắt, giáo dục thế hệ trẻ. Trước lúc đi xa, Người không quên căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta trong bản Di chúc thiêng liêng lịch sử: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc rất quan trọng và cần thiết”
Tầm quan trọng của việc chăm lo xây dựng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới thế hệ trẻ của dân tộc Việt Nam. Thế hệ trẻ Người nói ở đây là thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Người quan tâm đến việc bồi dưỡng cho thế hệ trẻ và cho rằng đó là việc “rất quan trọng và rất cần thiết” bởi vì những lý do sau:
Thứ nhất, thanh niên là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng, là lực lượng nhận sự chuyển giao thành quả và kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Sự nghiệp mà thế hệ đi trước đã tạo dựng nên sẽ được sống mãi và đời đời phát triển bằng sự kế tục của các thế hệ sau. Lịch sử là mãi mãi, nhưng sự tồn tại của mỗi thế hệ cách mạng là giới hạn. Từ đó, bàn giao thế hệ không chỉ là trao lại những gì đã có mà to lớn hơn, sâu sắc hơn là chuẩn bị cho lớp đi sau những gì chắc chắn hơn, tài giỏi hơn. Chuẩn bị ở đây có nghĩa là đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo một cách chủ động nhất, tốt nhất để có lớp kế tục vừa trung thành vừa xuất sắc.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin yêu và kỳ vọng vào vai trò của thế hệ trẻ, họ là mùa xuân của đất nước với sức trẻ, sức khỏe và bầu nhiệt huyết, Người đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”2. Người còn khẳng định thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, là người quyết định vận mệnh của đất nước. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Tương lai của đất nước, vận mệnh của dân tộc phụ thuộc vào sự cố gắng và nỗ lực của thanh niên. Nhân ngày khai trường của năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Người đã gửi thư khích lệ và động viên học sinh cả nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”3.
Thứ ba, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Luận điểm “trồng người” của Bác cho thấy tính chất lâu dài, gian khổ của quá trình đào tạo, giáo dục mà Bác coi là công việc trăm năm chứ không phải trước mắt. Luận điểm đó còn cho ta thấy mục tiêu chiến lược của đất nước trong việc phát huy nhân tố con người. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền, tương lai đang ở ngay trong hiện tại, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.
Như vậy, có thể khẳng định, việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” là nhiệm vụ rất quan trọng và rất cần thiết.
- Nội dung chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà giáo dục vĩ đại, nhà nhân văn hành động đưa ra quan điểm giáo dục toàn diện: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”4. Đó là con người phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, bao gồm các yếu tố “đức, trí, thể, mỹ”. Do đó, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ phải tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Một là, bồi dưỡng về lý tưởng cách mạng
Lý tưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Lý tưởng chỉ rõ mục đích sống, dẫn dắt và tăng thêm sức mạnh cho mọi người để vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống.
Cách đây một thế kỷ, khi 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã nói lên lý tưởng sống cháy bỏng của mình rất giản dị mà đầy ý nghĩa cao cả: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”5. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giác ngộ lý tưởng mới giúp thanh niên hiểu lý tưởng đó cao đẹp như thế nào và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện lý tưởng. Với ý nghĩa đó, giác ngộ lý tưởng cách mạng là để giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã ân cần khuyên nhủ thanh niên rằng: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là suốt đời phấn đấu cho Tổ quốc ta được hoàn toàn độc lập, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”6.
Hai là, bồi dưỡng đạo đức cách mạng
Tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng chứa đựng nhân sinh quan và giá trị hết sức sâu sắc đối với việc xác lập nhân cách, lý tưởng cũng như chuẩn mực lối sống cho thế hệ trẻ. Đạo đức cách mạng là đạo đức mới, là phẩm chất không thể thiếu và là cái gốc của con người xã hội chủ nghĩa. Bởi, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”7. Nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Nhưng, đạo đức cách mạng không phải là cái có sẵn, không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người.
Ba là, bồi dưỡng chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, quân sự
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: giáo dục phải toàn diện, bao gồm cả văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật, chuyên môn. Người cho rằng, nếu không có trình độ văn hóa thì không thể nào tiếp thu được khoa học-kỹ thuật; không học khoa học kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; song phải chú ý học chính trị, nếu chỉ học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật mà không học tập chính trị thì như người nhắm mắt mà đi. Có như vậy, thế hệ trẻ mới có thể tích lũy được những tri thức cần thiết, tạo tiền đề phát huy năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Bốn là, bồi dưỡng thể chất và nếp sống văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển toàn diện của thanh, thiếu niên và nhi đồng Việt Nam, trong đó có sự phát triển về mặt thể chất. Theo Người, việc giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, thực hiện đời sống mới… tất thảy đều phải có sức khỏe thì mới thành công. Bởi vì, “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”8. Với tinh thần đó, Người đã tự mình nêu gương sáng về rèn luyện thể dục, thể thao; đồng thời, kêu gọi tất cả mọi người, dù gái hay trai, già hay trẻ, đều phải thường xuyên rèn luyện thân thể, coi “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe” vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của mỗi người dân yêu nước.
- Phương châm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Một là, học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn
Theo Hồ Chí Minh là: “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”9. Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau phải xuất phát từ yêu cầu cách mạng mỗi giai đoạn, từ thực tiễn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một Người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song Y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là trí thức chỉ có một nửa. Trí thức của Y là trí thức sách vở, chưa phải trí thức hoàn toàn”10. Người khuyên thanh niên học ở mọi nơi, học mọi lúc, học mọi người và học suốt đời.
Hai là, kết hợp giáo dục gia đình – nhà trường- xã hội
Hồ Chí Minh khẳng định: Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Ngày 31-10-1955, khi miền Bắc đã giải phóng, Hồ Chí Minh viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Các đoàn thể là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ, nhất là Đoàn thanh niên. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”. Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên.
Ba là, nêu gương người tốt việc tốt phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên
Nêu gương người tốt việc tốt, lấy gương tốt việc tốt trong quần chúng, trong thanh niên để giáo dục lẫn nhau là một phương pháp vừa sinh động vừa có sức thuyết phục cao. Người cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ đặc điểm, tâm lý thanh niên là luôn khát khao vươn tới cái đẹp, cái cao thượng, có tâm lý ngưỡng mộ và học tập noi theo những thần tượng trong xã hội nên Người cho rằng giáo dục bằng phương pháp nêu gương để xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Thực hiện giáo dục bằng việc nêu gương, Người chủ trương tổ chức các Đại hội liên hoan tuyên dương, trao tặng huy hiệu cho các tập thể và cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất để động viên, cổ vũ sự phấn đấu, rèn luyện của thanh niên. Con đường hình thành đạo đức cách mạng là khó nhọc nhưng biết “kiên trì và nhẫn nại”, “gian nan rèn luyện” thì ắt thành công.
Bốn là, giáo dục bồi dưỡng thanh niên thông qua các tổ chức, đoàn thể
Nội dung giáo dục thanh niên của các tổ chức Đoàn, Hội là định hướng chính trị và định hướng lối sống cho thanh niên. Thông qua các phong trào cách mạng, các cuộc vận động, tổ chức Đoàn, Hội phải lôi kéo thanh niên tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội, từng bước giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên, giúp thanh niên không bị sa ngã về phía các thế lực thù địch. Đoàn, Hội cần phải tổ chức những hoạt động vui chơi có tính tập thể như: sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao…vừa để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của thanh niên vừa hướng thanh niên vào những sinh hoạt lành mạnh, bổ ích.
- Kết luận
Như vậy, có thể thấy cả cuộc đời hoạt động cách mạng gian truân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa có phút giây nào Người không nghĩ về việc chăm lo, bồi dưỡng con người. Người là một nhà chính trị tư tưởng lỗi lạc, nhà giáo dục vĩ đại, nhà nhân văn hành động, từ rất sớm đã nhìn thấy chiến lược về việc xây dựng và phát huy nhân tố con người sẽ quyết định đến vận mệnh tồn vong của dân tộc. Nổi bật trong tư tưởng bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là quan điểm bồi dưỡng, giáo dục toàn diện: toàn diện về nội dung, toàn diện về phương châm giáo dục, toàn diện về xây dựng con người “đức, trí, thể, mỹ”, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Quan điểm đó là nền tảng, căn cứ cho Đảng và đất nước ta có được những định hướng chiến lược quyết định trong việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người.
Trên tinh thần vận dụng, kế thừa quan điểm bồi dưỡng giáo dục toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số số 29-NQ/TW của Đảng ở Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”.
Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra phương hướng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển GD & ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy nghề và dạy người; chú trọng giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp…
Nghị quyết số 11-NQ/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã đề cập các đặc trưng năng động – sáng tạo – hào sảng – lành mạnh – văn minh – thân thiện; Phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng “Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Nhân dân hạnh phúc”.
Trường Đại học Hạ Long, chiếc nôi đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang cố gắng từng ngày, phấn đấu đến năm 2025 là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Thầy và trò trường Đại học Hạ Long đang ra sức học tập và làm theo lời Bác, quyết tâm xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, toàn diện với các hoạt động: học tập, rèn luyện, nghiệp vụ, văn hóa, thể thao, các phong trào Đoàn, Hội…Qua đó phát huy được năng lực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho đoàn viên thanh niên, sinh viên một cách toàn diện nhất, trở thành những sinh viên hội tụ đầy đủ những phẩm chất: “đức, trí, thể, mỹ”, vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
“Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt-học tốt”. Thầy và trò trường Đại học Hạ Long luôn luôn ghi nhớ và phát huy tinh thần ấy để góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Ths. Bùi Minh Huệ – Khoa khoa học Cơ bản