Hiện nay, làng nghề truyền thống tại Quảng Ninh đang góp phần tạo ra công việc, thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong tỉnh. Tuy nhiên, làng nghề cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức về nguồn vốn, quy mô sản xuất, thị trường hay vấn đề ô nhiễm môi trường, đầu tư công nghệ… Vì vậy, việc đưa ra một số giải pháp cụ thể sẽ giúp làng nghề truyền thống xây dựng được hướng đi hiệu quả và phát triển được trong xu hướng hội nhập quốc tế.
Th.s Lê Thanh Hoa, GV khoa Văn hóa
1.Đặt vấn đề
Quảng Ninh được đánh giá là một tỉnh có nhiều đột phá mạnh mẽ về các chính sách phát triển kinh tế trong cả nước. Bên cạnh đó, khi nói tới mảnh đất này, chúng ta không quên nhắc tới Quảng Ninh với nhiều giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, danh lam thắng cảnh và những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế “chuyển từ nâu sang xanh”, tỉnh đang tập trung nghiên cứu, đầu tư các nguồn lực cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Trong đó, việc khai thác, phát triển làng nghề truyền thống đang trở thành một hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số làng nghề truyền thống tại Quảng Ninh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, định hướng thị trường, khả năng cạnh tranh và giải pháp cho phát triển lâu dài. Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trên, việc đưa ra những giải pháp cụ thể sẽ giúp bảo tồn, phát huy, phát triển làng nghề truyền thống được hiệu quả hơn.
- Nội dung
- Một số khái niệm và tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống
Theo nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ban hành ngày 12 tháng 4 năm 2018 về “phát triển ngành nghề nông thôn” thì nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được hiểu như sau:
– Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
– Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.
– Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.
Vậy từ đây, ta có thể hiểu làng nghề là 1 thiết chế kinh tế – xã hội ở nông thôn, được tạo bởi hai yếu tố “làng và nghề”, tồn tại trong một không gian địa lý nhất định. Trong đó, bao gồm nhiều hộ gia đình sinh sống từ nguồn thu chủ yếu từ nghề thủ công, giữa họ có mối liên kết về kinh tế, xã hội và văn hóa. Đa số những người hoạt động tại làng nghề thường là thủ công, tiểu thủ công nghiệp, vì thế những sản phẩm làm ra thường mang đậm dấu ấn tay nghề, óc sáng tạo của con người trong từng sản phẩm.
Cũng căn cứ theo điều 5 của nghị định số 52/2018/NĐ-CP, các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống muốn được công nhận thì phải đạt các tiêu chí sau:
* Tiêu chí công nhận nghề truyền thống:
a) Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc.
c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
* Tiêu chí công nhận làng nghề:
a) Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này.
b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
c) Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
* Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống:
Làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề quy định tại khoản 3 Điều này và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định tại khoản 2 Điều này.
- Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay
Hiện nay, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút hơn 10 triệu lao động và mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỉ USD/năm.
Những năm qua, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện việc giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền, dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại.
Nói tới Quảng Ninh, hiện tỉnh đang có khoảng 20 làng nghề lớn nhỏ, trong đó nổi bật lên hoạt động của một số làng nghề truyền thống như: làng nghề đan ngư cụ Hưng Học tại phường Nam Hoà; đóng tàu, thuyền vỏ gỗ Cống Mương, phường Phong Hải của TX Quảng Yên; làng nghề nuôi cấy ngọc trai, đánh bắt thuỷ hải sản huyện Vân Đồn; làng nghề gốm sứ Đông Triều… Với quy mô phát triển của những làng nghề đã giúp đem lại công việc cho khoảng 15.000 lao động địa phương, chiếm khoảng 5% tổng số lao động nông thôn. Giá trị sản xuất của những làng nghề đạt bình quân trên 250 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 29% giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của các địa phương. Có thể nhận thấy, việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống đã giúp khôi phục lại không gian văn hóa làng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong vùng.
Bên cạnh những thành công về phát triển làng nghề thì hiện nay, các làng nghề truyền thống cũng không tránh khỏi câu chuyện gặp rất nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường, phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm, thương hiệu hàng hóa công nghiệp. Một số vấn đề chung mà các làng nghề truyền thống ở Quảng Ninh đang gặp như:
– Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún: Thực trạng này đang tồn tại không chỉ ở Quảng Ninh nói riêng mà các làng nghề cả nước cũng đang mắc phải. Đa số, nguồn tài chính đầu tư cho quy mô vốn chưa nhiều, chỉ mới dừng lại ở con số khiêm tốn là vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc trên dưới vài tỉ đồng. Quy mô vốn nhỏ, làng nghề lại xuất phát phổ biến từ hộ gia đình nên quy hoạch mặt bằng sản xuất cũng không thể đầu tư lớn, mặt bằng sản xuất chật hẹp, không trang sắm được thiết bị sản xuất mới, hiện đại. Ví dụ như làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ ở Quảng Yên, làng nghề gốm sứ Đông Triều…
Tuy nhiên, đối với làng nghề truyền thống thì việc chưa hình thành được quy mô sản xuất lớn lại đến từ một lý do khác mang yếu tố tâm lý cá nhân, đó là tâm lý sợ bị ăn cắp mẫu mã, bí quyết sản xuất khi nhân rộng việc truyền nghề cho người lao động. Vì vậy, việc truyền nghề truyền thống đôi khi chỉ dừng lại trong mối quan hệ họ hàng, huyết thống. Đây là câu chuyện cũng đòi hỏi các tổ chức quản lý và đơn vị sản xuất luôn luôn quan tâm, hiểu biết hơn về việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm.
– Công nghệ sản xuất chưa hiện đại: Hiện nay, các làng nghề truyền thống ở Quảng Ninh chủ yếu sản xuất thủ công bằng tay, các thiết bị máy móc đơn giản và hầu như cập nhật chậm chạp yếu tố công nghệ vào sản xuất. Ví dụ như làng nghề gốm sứ Đông Triều, với đặc thù là các sản phẩm đôn, chậu, lục bình… to, lớn nên phải nung ở nhiệt độ cao tuy nhiên, đến nay các hộ gia đình, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ sản xuất cũ là đốt bằng lò bầu, dùng chất đốt than, củi. Trên địa bàn hiện chỉ có Công ty TNHH Quang Vinh nổi bật nhất khi đã nghiên cứu và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mĩ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp”.
– Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi trong việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy hoạch sản xuất. Đây là vấn đề đang tồn tại ở các làng nghề truyền thống như đóng tàu thuyền ở Quảng Yên, gốm sứ Đông Triều và nhiều làng nghề khác.
– Sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng; hoạt động marketing còn hạn chế. Có thể thấy, các sản phẩm của làng nghề truyền thống chủ yếu được sản xuất thủ công, khá đơn điệu và lặp đi lặp lại kiểu những kiểu dáng mẫu mã truyền thống, chưa tạo nên sự sáng tạo, mới lạ. Ví dụ như mặt hàng gốm sứ Đông Triều chủ yếu vẫn là đôn, chậu cảnh, bình, lư..; làng nghề ngư cụ Hưng Học là lờ, đó, dậm hoặc thuyền nan; đến như làng nghề ngọc trai ở Vân Đồn với cơ sở sản xuất hiện đại cũng đang xuất khẩu thô sản phẩm vớí giá trị kinh tế chưa cao. Và hiện nay, một thực tế để có thể tăng nhanh đầu ra cho sản phẩm chính là hoạt động marketing thì các làng nghề truyền thống cũng ít quan tâm hoặc làm chưa tới. Hầu hết, việc sản xuất gói gọn trong nhu cầu sinh hoạt sử dụng, doanh nghiệp chưa đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, giá cả và xây dựng kế hoạch marketing phù hợp.
– Môi trường sản xuất ô nhiễm: Môi trường là vấn đề nhức nhối hiện nay ở tất cả các cơ sở sản xuất làng nghề. Câu chuyện chưa quy hoạch được địa bàn sản xuất và ý thức kém của mỗi hộ dân lao động đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Có thể kể đến làng nghề đóng tàu thuyền gỗ ở Quảng Yên, làng nghề gốm sứ ở Đông Triều hiện nay vẫn sử dụng phương thức sản xuất truyền thống nên ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Nếu người dân hoặc khách tham quan đi đến gần nơi sản xuất của làng nghề sẽ thấy rất nhiều hình ảnh của khói bụi, rác sản xuất, nguồn nước ô nhiễm. Quảng Ninh là một tỉnh có nguồn tài chính đầu tư mạnh về yếu tố công nghệ cho việc bảo vệ môi trường tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề truyền thống hiện nay cũng đang ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Vì vậy, các cấp quản lý và hộ sản xuất cũng phải nghiên cứu, tìm giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống khẩn trương để không gặp câu chuyện đau lòng như ở Nghệ An, 67 làng nghề được liệt kê trong danh sách những làng nghề không khuyến khích tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
- Giải pháp cho phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh trong giai đoạn hiện nay
Quảng Ninh là địa phương có số lượng làng nghề truyền thống ít so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, số lượng ít nhiều không quan trọng mà trên hết là cần tạo hướng đi, phát triển bền vững cho các làng nghề truyền thống để đem lại công việc, thu nhập, phát triển kinh tế chung cho toàn tỉnh. Đứng trước những thực trạng của làng nghề truyền thống hiện nay, chúng ta nên tập trung vào một số hướng giải pháp sau:
– Xây dựng các chính sách ưu đãi cho phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh. Tỉnh cần đầu tư cho các chính sách ưu đãi, khuyến khích cho phát triển quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ quỹ đất, nguồn vốn hợp lý, thủ tục đơn giản để người dân có thể tiếp cận, đầu tư cho việc tái sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, chính sách liên quan đến việc đãi ngộ, đào tạo, phát triển cho nguồn nhân lực làng nghề cũng cần được quan tâm hơn.
– Tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được vai trò của việc kế thừa, phát triển nghề truyền thống là nhiệm vụ, trách nhiệm các cá nhân, cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, khi các em không còn sự yêu thích, đam mê với các công việc tay chân truyền thống thì càng cần phải tuyên truyền cho các em hiểu được ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của hoạt động truyền nghề. Điều này không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các giá trị văn hóa địa phương mà còn tạo công việc, thu nhập, phát triển kinh tế cho cộng đồng nhân dân.
– Mở các lớp dạy nghề, các lớp đào tạo về kĩ năng, công nghệ của người lao động tiếp cận, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Hiện nay, hầu hết lao động ở các làng nghề là lao động phổ thông, được truyền nghề từ các nghệ nhân lớn tuổi nên đôi khi tính hội nhập chưa được phát huy. Vì vậy, việc mở các lớp đào tạo về thiết kế, marketing doanh nghiệp, kĩ năng bán hàng, ứng dụng công nghệ… là điều vô cùng cần thiết trong thời kì công nghiệp 4.0.
– Đa dạng mẫu mã, sản phẩm, chất lượng làng nghề để kích thích, thu hút khách hàng mua sản phẩm. Để có thể làm được việc này thì các làng nghề truyền thống phải thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng để sáng tạo ra nhiều hàng hóa bền đẹp, đa dạng kiểu cách. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm tại làng nghề Quảng Ninh chưa được đầu tư thiết kế, làm mới sản phẩm hay tạo ra những sản phẩm khác biệt, hấp dẫn người mua mà chủ yếu là cách sản xuất truyền thống, mẫu mã truyền thống, hay xuất khẩu thô với giá trị chưa cao. Vì vậy, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong 1 sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu khách hàng là điều rất cần thiết.
– Nâng cao hiểu biết và ứng dụng marketing vào việc tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp này có lẽ không mới đối với các làng nghề truyền thống nhưng việc hiểu và ứng dụng, làm tốt các bước trong hoạt động marketing thì các doanh nghiệp truyền thống đang rất vụng về. Và có thể, một số doanh nghiệp, hộ dân cũng chưa quan tâm tới hoạt động này vì hiện tại, sản phẩm vẫn đang tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm và đầu tư nguồn tài chính cho marketing cũng tốn kém nên họ không làm để bảo toàn nguồn vốn của mình. Vậy nên, bản thân chính quyền, doanh nghiệp, hộ dân cần tìm hiểu và thấy được vai trò vô cùng quan trọng của marketing để kích thích tiêu thụ.
– Xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa và thương hiệu du lịch của tỉnh. Việc làm này giúp cho du khách khi đến với Quảng Ninh, họ sẽ không chỉ biết đến Vịnh Hạ Long, Chùa Yên Tử, Ẩm thực hấp dẫn… mà còn biết tới Quảng Ninh với các giá trị văn hóa làng nghề độc đáo, đặc sắc của vùng biển Đông Bắc. Ví dụ như các làng nghề ở Quảng Nam, làng nghề ở Hà Nội, làng nghề, làng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tâm lý chung của khách du lịch và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài rất thích tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa độc đáo tại nơi tham quan. Và làng nghề truyền thống sẽ là một kênh kết nối hiệu quả cho sự phát triển của du lịch tỉnh.
– Hoạt động sản xuất song song với hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống. Môi trường là câu chuyện trăn trở, bức xúc của tất cả các làng nghề ở Việt Nam hiện nay và tỉnh Quảng Ninh cũng rất lo lắng cho câu chuyện ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống. Bởi vậy, đi đôi với hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp, hộ dân cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường làm việc và môi trường cộng đồng xung quanh. Từ đó góp phần tạo nên không gian làng nghề an toàn cho mọi người cùng phát triển sản xuất và đồng thời, cơ hội giới thiệu, quảng bá cho làng nghề truyền thống sẽ đạt hiệu quả hơn.
- Kết luận
Tóm lại, xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống là một việc làm cần thiết và chung tay của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội. Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mà đồng thời, nó cũng tạo ra nguồn thu kinh tế cho tỉnh. Vì vậy, trong bất kì chính sách nào ban hành về hoạt động sản xuất ở giai đoạn hiện nay cũng cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để người lao động luôn tự hào, tâm huyết với nghề và phát triển được kinh tế gia đình bằng nghề truyền thống.
* Tài liệu tham khảo:
- Phạm Bích Huyền-Đặng Hoài Thu (2014), Các ngành Công nghiệp Văn hóa, Nxb Lao động, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Lan Thanh (2012), Marketing văn hóa nghệ thuật, NXB Lao Động, Hà Nội.
- Kế thừa và phát huy thương hiệu gốm Đông Triều, (2009), Báo Quảng Ninh – số 7257 – ngày 29/04/2009.
- Lịch sử hình thành huyện Đông Triều – Quảng Ninh (1995), Quảng Ninh.
- Nguyễn Đức Tý (2006), Kinh tế xã hội Quảng Ninh, Sở Văn hoá thông tin, Quảng Ninh.
- Bùi Văn Vượng (2002), Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
- Báo Quảng Ninh (2016), Hướng đi nào cho bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, truy cập ngày 10/4/2019.
- Báo Quảng Ninh (2017), Giải pháp phát triển bền vững làng nghề truyền thống, truy cập ngày 10/4/2019.
- Báo Nhân dân (2016), Phát triển nuôi cấy ngọc trai thành ngành công nghiệp, truy cập ngày 08/4/2019.