Ngày 24/02/2022, Trường Đại học Hạ Long tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến về chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị kinh doanh”. Về phía nhà trường có sự tham dự của: TS. Trần Trung Vỹ - Bí thư đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường; TS. Hoàng Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường; Đại diện hội đồng trường; Tổ xây dựng đề án và Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh; Đại diện lãnh đạo các khoa: Du lịch, Sư phạm, Công nghệ thông tin.Về phía khách mời đại diện gồm có: Giáo sư; Phó Giáo sư; các chuyên gia; giảng viên đầu ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh và đại diện các đơn vị, công ty có nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao trên địa bàn.
Các đại biểu tại chương trình hội thảo
Dự kiến Chương trình đào tạo được thiết kế theo hệ thống tín chỉ. Khối lượng kiến thức toàn khoá: 125 tín chỉ (không bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Quốc phòng và An ninh). Quy trình đào tạo theo quy định tại Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường Đại học Hạ Long. Khoá học được thiết kế theo các năm học, học kì. Thời gian đào tạo chuẩn là 04 năm, thời gian tối đa cho phép để hoàn thành chương trình là 06 năm. Chương trình đào tạo có đề xuất cho sinh viên một lộ trình học tập chung.Nhà trường sẽ tập trung tất cả các nguồn lực nhằm hỗ trợ người học phát huy tối đa tiềm năng, sở trường của người học qua việc đa dạng các hoạt động, hình thức và phương pháp, kĩ thuật dạy học. Cụ thể: Học trực tiếp, kết hợp với tự học, học tập tương tác đối với những nội dung, tín chỉ lý thuyết. Học trải nghiệm (thực tế, thực hành, thực tập, thí nghiệm, nghiên cứu thực tế, …) kết hợp với học gián tiếp đối với những nội dung, học phần thực hành, thực tập, khoá luận tốt nghiệp, … Sinh viên được học lý thuyết, rèn kĩ năng thực hành thông qua các hoạt động học tập.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Hạ long có thể đảm nhiệm các vị trí việc làm sau:
– Cán bộ kinh doanh hoặc quản trị kinh doanh trong các loại hình doanh nghiệp của nền kinh tế, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội…
– Cán bộ nghiên cứu, cán bộ đào tạo, giáo viên quản trị kinh doanh tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hoặc cơ quan hoạch định chính sách quản lý kinh tế.
– Tự tạo lập doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân.
Phòng đào tạo