Bình đẳng giới chính là quyền của con người. Phụ nữ được quyền sống xứng đáng với nhân phẩm, có thể làm điều mình mong muốn và không sợ hãi. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chính là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài […]
Bình đẳng giới chính là quyền của con người. Phụ nữ được quyền sống xứng đáng với nhân phẩm, có thể làm điều mình mong muốn và không sợ hãi. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chính là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội. Kể từ khi Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời vào năm 1995, được 189 nước ký kết tham gia tại Đại hội Phụ nữ thế giới lần thứ 4, trao quyền cho phụ nữ trở thành một giải pháp quan trọng. Việc trao quyền cho phụ nữ là cấp thiết và chỉ đến khi phụ nữ được giải phóng khỏi nghèo đói và bất bình đẳng thì những mục tiêu khác của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh, phát triển bền vững mới thực hiện được.
Bạo lực dựa trên cơ sở giới là một biểu hiện của bất bình đẳng giới được duy trì bởi cấu trúc quyền lực và mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ. Ở mọi xã hội, phụ nữ đứng trước nguy cơ phải trải qua nhiều hình thức bạo lực và phân biệt đối xử trong suốt cuộc đời – chỉ vì họ là phụ nữ. Trẻ em gái và phụ nữ ở mọi lứa tuổi, với mọi hình thức khuyết tật đang phải đối mặt với nhiều hình thức phân biệt đối xử và bất bình đẳng do những rào cản về thái độ, định kiến và khuôn mẫu. Do vậy, họ thường bị lề hóa khỏi lợi ích về xã hội và kinh tế của sự tiến bộ.
Gia đình – ốc đảo hạnh phúc của mỗi người – lại có thể biến thành địa ngục đối với phụ nữ, nơi mà họ bị tước đoạt quyền tự do và quyền tự chủ của chính mình. Nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc bạo lực kinh tế bởi chồng/bạn tình ở một số thời điểm trong cuộc đời và 31,6% trong 12 tháng qua. Năm 2020 đã chứng kiến trẻ em và phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong bối cảnh đại dịch Covid 19. Nhiều người phải đối mặt với bạo lực và môi trường sống không an toàn. Tỷ lệ bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300% ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó trẻ em và phụ nữ vừa là người chứng kiến vừa là nạn nhân. Tại Việt Nam, trong thời gian Covid 19 tỉ lệ bạo lực gia đình tăng ít nhất 30% ( UNICEF VietNam, 8/2020). Tại tỉnh Quảng Ninh, theo số liệu nghiên cứu đánh giá mới nhất về thực trạng bạo lực gia đình của TS. Hoàng Tuyết Mai ( Luận án “ Dịch vụ công tác xã hội với nam giới nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình tại tỉnh Quảng Ninh”) Bạo lực với phụ nữ diễn ra trên cả 4 nhóm bạo lực với đa dạng các hành vi khác nhau, trong đó hành vi bạo lực tinh thần là dạng bạo lực nam giới sử dụng nhiều nhất ( 58,3%) sau đó đến bạo lực kinh tế ( 41,7%). Các hành vi bạo lực về mặt kinh tế của người chồng với vợ đang có xu hướng gia tăng cao trong thời gian gần đây. Đặt vào bối cảnh năm 2020 là một năm nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị sụt giảm nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn ra dẫn tới các hệ quả trong đó nặng nề nhất là hàng triệu người lao động bị thất nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao nam giới lại có hành vi bạo lực kinh tế với vợ nhiều như vậy trong thời gian gần đây. Sau đó là bạo lực thể xác (37%) và ít nhất là hành vi bạo lực tình dục ( 27,3%).
Bạo lực phụ nữ không chỉ gây hậu quả nặng nề cho bản thân người phụ nữ mà còn cho nền kinh tế quốc dân. Tổn thất năng suất lao động quốc gia do bạo lực phụ nữ tương đương 1,81% GDP năm 2018 ở Việt Nam – một tổn thất không nhỏ đối với nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ có thể gây ra những hậu quả liên thế hệ. Trong số những phụ nữ đã bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác, hơn 61% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực.
Những trẻ em này gặp các vấn đề về hành vi như thường xuyên bị ác mộng, lặng lẽ một cách bất thường hoặc sống thu mình.
Nhận thức rõ được những tác động tiêu cực và hệ quả nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực phụ nữ cũng như bất bình đẳng giới. Việt Nam trong những năm vừa qua đã ký nhiều công ước quốc tế như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Tuyên bố thiên niên kỷ… Đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền và tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của Nhà nước. Với những nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới.
Trong một thế giới cần sự thay đổi, mỗi chúng ta đều có thể tạo nên sự đổi thay. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau; cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ!
TS Hoàng Tuyết Mai – khoa Văn hoá