Xác định việc gắn kết giữa các doanh nghiệp và nhà trường có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục nghề nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, thời gian qua, khoa Thủy sản đã chú trọng đến công tác này, đặc biệt trong việc chỉ đạo thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp của sinh viên.
Chương trình thực tập giáo trình nước ngọt và nước mặn được thực hiện ở các lớp năm thứ hai và năm thứ ba, tổng thời gian đi thực tập là 6 tháng. Sinh viên được đến với các cơ sở doanh nghiệp có uy tín về Nuôi trồng thủy sản trong nước (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I – xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh; Trại giống Xuân Mỹ Hào – xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu Hòa Bình, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Bắc – Viện nghiên cứu NTTS I, Xã Xuân Đám, Huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng).
Ngày 12 tháng 1 năm 2021, sinh viên năm cuối đã hoàn thành đề cương khóa luận tốt nghiệp. Trong tổng số khóa luận tốt nghiệp của lớp Nuôi trồng thủy sản K2 có tới 80% khóa luận gắn với các doanh nghiệp (Khóa luận của sinh viên Vũ Văn Chiến tiến hành thí nghiệm tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc, Cát Bà, Hải Phòng; khóa luận của sinh viên Vũ Thị Hồng Ngọc được thực hiện tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Từ Sơn, Bắc Ninh; khóa luận của sinh viên Lê Đăng Tài thực hiện ở Trung tâm Quốc gia giống Hải sản, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Ninh Thuận,…).
SV Vũ Thị Hồng Ngọc – Lớp Nuôi trồng Thủy sản K2 đang tiến hành thí nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp ở Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I
Trong thời gian thực tập và tiến hành khóa luận tại các doanh nghiệp, sinh viên có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế, nắm bắt được thị trường thủy sản cũng như những yêu cầu mà các doanh nghiệp đòi hỏi có ở một kĩ sư nuôi trồng thủy sản. Qua đó, không những giúp sinh viên tự tin, trưởng thành hơn mà còn giúp sinh viên nắm bắt nhanh chóng những cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ngô Thị Hoản