Trang web cá cược Baccarat uy tín

Thứ Tư, 6/4/2022 | 07:34 GMT +7

HÀNH TRÌNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA BÁC HỒ

 Cách đây hơn 110 năm, ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng – Cảng Sài Gòn, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche – Tresville, bắt đầu hành trình tìm ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc. Con đường cứu nước Hồ Chí Minh đã đi qua trong 30 năm (1911-1941), Người đã tới nhiều quốc gia khác nhau để trực tiếp quan sát những chuyển biến tại các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ.

Con đường cứu nước Hồ Chí Minh thể hiện một trí tuệ Hồ Chí Minh, từ lúc tìm đường, lựa chọn con đường dẫn đến sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với chủ nghĩa dân tộc, kiên trì đến cùng để thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

  1. 1. Bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới đầu thế kỷ XX.

Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa vũ trang cuối thế kỷ XIX, tư tưởng của các sĩ phu yêu nước đã có sự chuyển biến. Họ cố thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến, tìm một con đường mới trong ý thức hệ tư sản Âu-Mỹ qua các tân thư được truyền vào từ Trung Hoa. Song những cố gắng ấy cũng đều lần lượt bị thất bại. Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Những năm tháng ấu thơ cùng với thời niên thiếu sống trong nỗi gian truân của gia đình, được đi đây đó chứng kiến bao cảnh đời bất công trong xã hội, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía nỗi cơ cực kiếm được miếng cơm manh áo đến nỗi nhục mất nước, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước. Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào.

Bước sang thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đã trở thành một hệ thống thế giới, mỗi thuộc địa là một mắt khâu của hệ thống đế quốc, do đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Đây chính là đặc điểm mới của thời đại mà các sĩ phu trong nước thời đó chưa có điều kiện để nhận ra.

Với nhạy cảm chính trị của một trí tuệ hiếm có, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm nhất định về sự chuyển biến của thời đại. Kẻ xâm lược mới đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây. Muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Sài Gòn, rời Tổ quốc. Người thanh niên 21 tuổi ấy đã có quyết định chính xác và táo bạo là đi phương Tây tìm đường cứu nước, cứu dân.

  1. Quá trình tìm tòi và hình thành cơ bản con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Tiến hành cuộc khảo sát rộng lớn thế giới tư bản

Theo hành trình của tàu, ngày 6 tháng 7 năm 1911, tàu dừng chân ở cảng Mác Xây. Trong thời gian chờ tàu dỡ hàng, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tranh thủ tìm hiểu đời sống nhân dân Pháp. Năm 1912, Người chuyển qua làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ  Rêuyni (Pháp). Ở đây, Người có điều kiện vừa làm việc, vừa nghiên cứu học hỏi thêm từ thực tế. Đi đến đâu Người cũng rất đau xót vì thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức, bóc lột dã man của giai cấp thống trị. Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi Máctiních (Martinique) (Trung Mĩ), Urugoay và Áchentina (Nam Mĩ) và dừng lại ở nước Mĩ cuối năm 1912. Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu trở lại Lơ Havơrơ, sau đó sang Anh. Ở Anh, Người nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò, làm phụ bếp…Công việc hết sức nặng nhọc nhưng sau mỗi ngày Người đều tranh thủ thời gian học tiếng Anh và tiếp tục nghiên cứu về lịch sử của nước Mĩ, nước Anh…Nhờ vậy Người đã có kiến thức sâu sắc về lịch sử phương Tây và những giá trị của nền văn minh phương Tây như tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái…

Qua 6 năm (1911-1917) bôn ba khắp năm châu bốn biển, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành một mặt tiếp cận tìm hiểu thực tế đời sống nhân dân lao động của nhiều quốc gia trên đường Người đi qua ở các châu lục và nghiên cứu học hỏi nên đã có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa.

Bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin.

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc cách mạng tháng Mười Nga vừa bùng nổ thắng lợi, “giống như mặt trời chói lọi”, chiếu sáng khắp năm châu, mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới. Ngày 18/6/1919, Người đã thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây. Lần đầu tiên, một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã đưa vấn đề chính trị của một nước thuộc địa ra quốc tế, đòi quyền bình đẳng về pháp lý và các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách không được các đế quốc thắng trận để mắt tới, Người rút ra kết luận: muốn giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa. Chính nhờ thắng lợi của cách mạng Nga, đọc Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức. Tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (30/12/1920), Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế 3, đánh dấu bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời mở ra bước chuyển cho bao thế hệ người Việt Nam: từ người yêu nước thành người cộng sản. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Vừa hoạt động thực tiễn, vừa nghiên cứu lý luận, góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác.

Nguyễn Ái Quốc khởi đầu hoạt động đấu tranh cách mạng của mình bằng việc tố cáo những tội ác của thực dân ở thuộc địa, nhằm làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới biết được sự thật về cái gọi là “chính sách khai hóa” của thực dân, từ đó kêu gọi “nô lệ thức tỉnh. Sử dụng hình ảnh “chủ nghĩa tư bản là con đỉa 2 vòi”, nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả 2 cái vòi của nó đi, Nguyễn Ái Quốc nêu lên sự cần thiết phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, hai cuộc cách mạng đó phải phối hợp nhịp nhàng với nhau như hai cánh của một con chim. Những bài báo đó của Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành lý luận về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản.

Tháng 6/1923, Người từ Pháp sang Liên Xô. Tại đây, Người tham gia một khóa học lý luận ngắn hạn tại trường Quốc tế phương Đông, và được nghiên cứu chế độ Xô viết, học tập một cách hệ thống về chủ nghĩa Mác Lênin và kinh nghiệm xây dựng Đảng. Được mời tham dự nhiều đại hội và hội nghị quốc tế lớn, Nguyễn Ái Quốc có cơ hội vừa lắng nghe, học tập, vừa vận dụng vốn lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của mình, tham gia vào cuộc tranh luận, đưa ra những luận điểm riêng, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Lênin về cách mạng ở thuộc địa.

Cuối tháng 11/1924 Người được Quốc tế Cộng sản cử sang Quảng Châu để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Đây là lúc sau hơn 10 năm bôn ba thế giới Người đã luôn tích lũy được tri thức nhân loại, kinh nghiệm hoạt động và tổ chức cách mạng để vận dụng và hành động. Người chọn một số thanh niên Việt Nam ở Quảng Châu và một số thanh niên từ trong nước sang để mở lớp huấn luyện chính trị. Tại Quảng Châu, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào tháng 6/1925, một tổ chức tiền thân của Đảng trong đó có Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu.

Đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng trong nước phải một đảng chính trị lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng, hội nghị nhất trí thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ Đường cách mệnh đến Chính cương, Sách lược vắn tắt đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian 10 năm “vạch đường đi” cho cách mạng (1921-1930) Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra một gia tài lý luận về cách mạng qua các tác phẩm, bài viết như báo Le Paria (Người cùng khổ), tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Báo Thanh niên, tác phẩm Đường cách mệnh, các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng như Chánh cương văn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng. Những tác phẩm đó cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản.

Đầu  năm 1927 Đường cách mệnh tập hợp những bài giảng của Người ở Quảng Châu được xuất bản, được coi là cẩm nang cho cách mạng Việt Nam. Tác phẩm Đường cách mệnh là sự phát triển các quan điểm lý luận đã được Nguyễn Ái Quốc sơ bộ nêu lên trước đó, nay được trình bày tương đối có hệ thống về con đường cách mạng Việt Nam: (1) khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng Nga, tức là phải đặt nó trong quỹ đạo cách mạng vô sản; (2) con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: dân tộc cách mệnh và thế giới cách mệnh, hai giai đoạn này có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi giai đoạn có mục tiêu và phương pháp vận động cách mạng khác nhau. (3) tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết quốc tế, vấn đề phương pháp cách mạng như phương pháp tuyên truyền, giảng giải về lý luận, về chủ nghĩa, về giác ngộ và cách tổ chức-vận động quần chúng ra đấu tranh; (4) tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, “ Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững, phải có chủ nghĩa làm cốt…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Những nội dung trên cho thấy Đường cách mệnh đã đặt cơ sở cho sự hình thành đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản.

Chính cương, Sách lược vắn tắt và các văn kiện của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc thảo ra, đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam: (1) Về phương hướng của cách mạng Việt Nam, Chính cương vắn tắt nêu rõ “ làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng dể đi tới xã hội cộng sản; (2) xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: đế quốc và phong kiến là hai đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng không coi hai nhiệm vụ đó phải thực hiện ngang nhau, đồng thời, mà đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc (3): về lực lượng cách mạng: Sách lược vắn tắt đề ra chủ trương mềm dẻo, nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp dân chúng, lôi kéo họ đi về phe vô sản giai cấp, còn đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam chưa rõ mặt phản cách mạng làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

Sách lược vắn tắt của Đảng cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, cùng với Chính cương vắn tắt trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

  1. Trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Sau nhiều năm chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, để chủ động đón thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, ngày 28/1/1941, Người đã đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thân yêu sau ba mươi năm xa cách.

Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Hội nghị nhận định: cách mạng Đông Dương hiện tại là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian, đề thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công. Về vấn đề chính quyền, Hội nghị chỉ rõ: sau khi đánh đuổi được Pháp-Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới.

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã lôi cuốn hàng chục triệu nông dân hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng lịch sử. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra chiếc “cẩm nang thần kỳ” là chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

Ngày 5/6/1911, sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã trở thành một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho thời đại mới của dân tộc Việt Nam: thời đại Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, cũng như trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc như hiện nay, để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn, trong đó bài học đầu tiên là “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đang vững bước xây dựng một nước việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, tiến bước cùng thời đại, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Thanh Hòa – Bộ môn Chính trị, Pháp luật

BÌNH LUẬN