Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có những tín hiệu khả quan, các ngành nghề nói chung tại Quảng Ninh đều bị ảnh hưởng. Ngành du lịch vốn rất nhạy cảm với các biến đổi của xã hội nên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chưa kịp hồi phục sau ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020, diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 tiếp tục giáng thêm một đòn khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các công ty lữ hành lao đao.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh có khoảng 50.000 lao động trong ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhiều người mất việc, có người mặc dù rất yêu nghề cũng đành phải tìm công việc khác để vượt qua khó khăn trước mắt như: bán hàng online, shiper, xe ôm, taxi… Người có điều kiện hơn thì buôn bán bất động sản hoặc làm thương mại.
Các công ty lữ hành tại Quảng Ninh vốn chủ yếu tổ chức đưa khách từ tỉnh Quảng Ninh đi các nơi khác tham quan du lịch, hoặc ra ngoài tỉnh hoặc ra nước ngoài. Hai năm gần đây, việc tổ chức các tour ra nước ngoài buộc phải dừng hẳn. Các tour du lịch trong nước cũng chỉ tổ chức được theo thời điểm chủ yếu tranh thủ lúc dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng từ tết Nguyên đán 2021 đến nay, việc tổ chức các tour ra tỉnh ngoài cũng gần như đóng băng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách tháo gỡ, như người Quảng Ninh đi du lịch Quảng Ninh, giảm giá rồi miễn phí vé tham quan một số điểm du lịch tiêu biểu: Yên Tử, Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh… Đặc biệt gói kích cầu của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam chi 66 tỷ đồng cho 33.000 cán bộ công nhân viên đi tham quan trong tỉnh. Những giải pháp này đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp lữ hành, nhưng cũng chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; còn lại phần lớn các doanh nghiệp lữ hành (khoảng 70 công ty lữ hành) vẫn gần như dừng hoạt động.
Đầu tháng 7/2021 vừa qua, Quảng Ninh bước vào mùa du lịch biển. Do tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được kiểm soát nên du lịch Quảng Ninh có ít nhiều khởi sắc. Các điểm đến Cô Tô, Quan Lạn, Cái Chiên đều có khách du lịch nội tỉnh đến thăm dịp cuối tuần. Các công ty lữ hành phần nào có lại chút sinh khí “khai xuân” cho một năm “ngồi chơi xơi nước”. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ mang tính tạm thời. Có lẽ các doanh nghiệp lữ hành sẽ còn nghỉ dài dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lao động trong lĩnh vực lữ hành: hướng dẫn viên, điều hành tour mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng cho dịch vụ lữ hành: vận tải, lưu trú, ăn uống, tham quan…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch và Thương mại Sao Mai cho biết: “Từ đầu năm đến giờ, công ty phải cho nhân viên nghỉ việc, tự đóng bảo hiểm. Công ty chỉ trả lương theo hợp đồng mà nhân viên đưa về”. Cũng trong tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Liên – Giám đốc Công ty Du lịch Vịnh Than cho hay: “Công ty cũng phải cắt giảm lao động tối đa, hiện chỉ duy trì mỗi ban giám đốc 3 người là cơ hữu, khi có tour thì giám đốc, phó giám đốc kiêm luôn việc hướng dẫn đoàn”.
Ngành du lịch vốn đã rất yếu ớt, sức đề kháng kém lại thêm một cú đấm của anh Covid vốn có sức tàn phá khủng khiếp, cứ ra đòn nào là knock out đòn đó. Các công ty lữ hành lại phải chờ thời cơ và không biết chờ đợi đến khi nào.
Phạm Bình Quảng