Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi các trường đại học phải tạo ra các chương trình không chỉ giúp nâng cao chất lượng sinh viên mà còn phải hợp tác chặt chẽ được với doanh nghiệp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những tác động lớn nhất là sự thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời đại công nghệ cao. Chiều 14/05, tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho tương lai” nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Australia, một trong những quốc gia đi đầu triển khai phát triển nguồn nhân lực 4.0.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm của Australia cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường đại học Việt Nam trong việc xây dựng chương trình đào tạo có tính đổi mới, phù hợp thị trường lao động, cũng như phát triển, áp dụng mô hình gắn kết nhà trường, doanh nghiệp và chính phủ.
Theo GS. Duncan Bentley, Đại học Công nghệ Swinburne đã xây dựng các xưởng thiết kế (Design Factory) – nơi tập hợp sinh viên, lãnh đạo trong nghiên cứu, đối tác doanh nghiệp và các doanh nhân để cùng giải quyết các vấn đề phức tạp, đề ra những giải pháp mới và dự đoán trước các tình huống tương lai. Cùng với đó, xưởng thiết kế cũng cung các nền tảng liên ngành cho các nghiên cứu có sự tham gia của doanh nghiệp. Trung tâm này tập hợp những người trực tiếp sử dụng dịch vụ, sinh viên và nghiên cứu sinh cùng tham gia vào giai đoạn đầu của một sản phẩm và quá trình phát triển dịch vụ để thử nghiệm các khái niệm và giá trị tiềm năng của chúng.
GS. Alan Kin-Tak Lau, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nghiên cứu và Phát triển, Đại học Công nghệ Swinburne chia sẻ về việc kết hợp các thế mạnh của nhà trường với yêu cầu của tổ chức doanh nghiệp, bảo đảm các sinh viên sắp tốt nghiệp đáp ứng được những thách thức của công nghiệp 4.0.
Trong thời đại 4.0, nhu cầu về nguồn nhân lực về công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi những mô hình giáo dục truyền thống chưa thể đáp ứng đầy đủ. Trong số khoảng 80.000 sinh viên ICT tốt nghiệp mỗi năm thì chỉ có khoảng 30.000 người được đánh giá đủ chất lượng. Để giải quyết vấn đề này, TS Hoàng Việt Hà, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT đã chia sẻ giải pháp iGSM (Industry Relevant – Global – Smart Education – Mega) của Đại học FPT. Ông cũng chia sẻ thêm những kinh nghiệm của Đại học FPT trong việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiêp trong việc phát triển nhân lực theo nhu cầu thị trường lao động.
Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Hạ Long với vai trò, sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho tỉnh Quảng Ninh đã tham dự, lắng nghe và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia Australia trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Hiện nay, Khoa Công nghệ thông tin đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, VNPT, Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn FLC… trong việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.