Tiếng Anh chuyên ngành là những từ ngữ, thuật ngữ đi sâu vào một lĩnh vực mà chỉ ngành đó mới có. Chúng ta có thể hiểu thêm về thuật ngữ ESP- viết tắt của các từ English for Special Purpose. Đó là “nguyên liệu” để bạn vận dụng, thực hành và giao tiếp trong công việc ở một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, trong chuyên ngành khách sạn nhà hàng, bạn sẽ bắt gặp những từ liên quan đến các trang thiết bị và dịch vụ, các nhiệm vụ của một số nghề trong khách sạn nhà hàng như; exchange bureau (quầy đổi tiền), taking room reservations (tiếp nhận thông tin đặt phòng trước) hay checking-in procedures (qui trình check in cho khách)…
BỐN GỢI Ý VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH HIỆU QUẢ
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Khoa Ngoại ngữ
Tiếng Anh chuyên ngành là những từ ngữ, thuật ngữ đi sâu vào một lĩnh vực mà chỉ ngành đó mới có. Chúng ta có thể hiểu thêm về thuật ngữ ESP- viết tắt của các từ English for Special Purpose. Đó là “nguyên liệu” để bạn vận dụng, thực hành và giao tiếp trong công việc ở một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, trong chuyên ngành khách sạn nhà hàng, bạn sẽ bắt gặp những từ liên quan đến các trang thiết bị và dịch vụ, các nhiệm vụ của một số nghề trong khách sạn nhà hàng như; exchange bureau (quầy đổi tiền), taking room reservations (tiếp nhận thông tin đặt phòng trước) hay checking-in procedures (qui trình check in cho khách)…
Tiếng Anh chuyên ngành quan trọng là thế, vậy bạn đã biết cách học sao cho hiệu quả chưa? Nếu chưa tìm ra phương pháp tối ưu nào cho mình, hãy cùng đọc bài viết dưới đây. Qua quá trình nhiều năm giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành, tôi xin gợi ý bốn phương pháp học tiếng Anh chuyên ngành cụ thể là ngành khách sạn nhà hàng sao cho hiệu quả nhất nhé!
- Hãy bắt đầu với những thứ bạn đã biết và tập trung vào chuyên ngành của mình
Tiếng Anh chuyên ngành được phân ra làm nhiều ngành nhỏ như khách sạn nhà hàng , y tế, hàng hải, tài chính…Điều đầu tiên bạn cần chính là sự yêu thích, khi yêu thích, bạn sẽ cảm thấy có động lực muốn học hỏi, trau dồi và tìm hiểu sâu hơn. Hãy lựa chọn cho mình một chuyên ngành yêu thích để làm việc và học tập.
Khi bắt đầu học các từ chuyên ngành, hãy bắt đầu từ những lĩnh vực đơn giản và quen thuộc nhất với bạn. Ví dụ, bạn đang học tập và làm việc trong khách sạn nhà hàng và muốn học tiếng Anh chuyên ngành này, hãy bắt đầu từ lĩnh vực của mình. Bạn chắc chắn mình đã biết trước những thuật ngữ quen thuộc trong ngành dịch vụ này. Điều này sẽ giúp bạn học nhanh hơn và có sự liên hệ trong công việc cụ thể với các cụm từ và mẫu câu mà nhân viên (staff) hay khách hàng (customers) thường dùng trong các tình huống như nhận điện thoại (taking phone calls), hướng dẫn khách điền thông tin (filling in registration card), hoặc giải thích lịch sự với khách khi khách sạn nhà hàng của bạn không đáp ứng được yêu cầu của khách (giving polite explanation)… Đây chính là động lực để bạn cố gắng học tiếng Anh chuyên ngành và yêu thích nghề nghiệp hơn.
- Tạo cho mình một quyển “từ điển chuyên ngành”
Dùng một quyển sổ tay và viết lại các thuật ngữ cũng là một cách hiệu quả để học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành. Bất cứ khi nào gặp một từ hay cụm từ mới, hãy viết chúng vào sổ theo đúng ngành nghề. Bạn cũng nên viết lại định nghĩa theo cách hiểu của mình để dễ nhớ hơn.
Khi bạn viết một từ mới vào trong sổ tay, hãy cố gắng đặt nó trong một câu ví dụ bằng tiếng Anh. Một số người thấy rất hữu ích khi ghi chú theo chủ đề. Vì vậy, thay vì có một danh sách các từ vựng mà không có sự liên hệ gì giữa chúng, bạn chia nó thành các chủ đề, ví dụ như một trang có các từ liên hệ với nghiệp vụ lễ tân, trang khác có các từ liên hệ tới giải quyết phàn nàn của khách tại khách sạn nhà hàng hoặc các cụm từ liên quan đến các loại rượu hay phương pháp pha chế đồ uống cocktail như lime cordial, triple sec, angostura bitters, salt-rimmed glass…
Chọn một từ hoặc một cụm từ trong sổ tay và cố gắng sử dụng chúng thường xuyên nhất có thể trong một ngày. Hãy nghĩ tới những tình huống mà bạn cần phải dùng từ hoặc cụm từ đó, viết chúng ra và đặt chúng trong vài ví dụ. Kiểm tra lại từ hoặc cụm từ này sau một tuần, để chắc chắn rằng bạn vẫn nhớ chúng.
Lần tới khi bạn có chút thời gian rảnh, hãy nhìn qua cuốn sổ tay. Bạn sẽ ngạc nhiên về việc bạn đã nhớ được bao nhiêu từ! Hãy chọn một trang mà bạn đã viết một số lượng từ và các sự diễn giải, gập lại, và hãy cố nhớ xem bạn đã viết những gì. Sau đó hãy nhìn vào trang giấy và xem bạn nhớ được bao nhiêu.
- Tập dịch tiếng Anh chuyên ngành
Khi làm việc, bạn sẽ gặp phải rất nhiều hội thoại, tình huống, email… khá phức tạp và yêu cầu phải hiểu chính xác. Luyện tập dịch chúng cũng là một trong những cách học hiệu quả.
Ngày nay, có rất nhiều công cụ hỗ trợ bạn dịch các tài liệu tiếng Anh. Nhưng các bạn sinh viên không nên chỉ trông chờ vào các công cụ này. Đặc biệt là các bạn sinh viên mất gốc tiếng Anh.
Việc luyện dịch nói chung, dịch tiếng Anh chuyên ngành nói riêng sẽ giúp bạn:
- Ghi nhớ từ vựng
- Học thêm các cấu trúc diễn đạt
- Hiểu thêm về các kiến thức chuyên môn liên quan
Đây sẽ là bước tiền đề để bạn có thể sử dụng, trao đổi, diễn thuyết về các vấn đề chuyện môn trong tương lai. Nếu bạn phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ như Google dịch thì sẽ không hình thành được chút kiến thức và kĩ năng nào cả.
Chú ý đừng dịch Anh-Việt, hãy học cách hiểu nghĩa tiếng Anh của các từ chuyên ngành thay vì “dịch thầm” chúng sang tiếng Việt. Dù việc tra nghĩa tiếng Việt của một từ mới nào đó dường như đã trở thành phản xạ tự nhiên, bạn cũng nên bỏ thói quen này để tránh nhầm lẫn. Hơn nữa, không có bất cứ giới hạn hay chuẩn mực nào trong việc dịch nghĩa các từ chuyên ngành. Thậm chí, có những từ tiếng Anh không hề có từ vựng tiếng Việt nào thích hợp để thay thế chúng ví dụ như tripple sec là một loại rượu có hương cam nhưng từng từ của cụm đó không mang nghĩa rượu hay cam.
Tóm lại, khi gặp một thuật ngữ nào đó, trước hết bạn hãy cố hiểu chúng dựa vào ngữ cảnh. Nếu vẫn chưa rõ nghĩa, hãy sử dụng từ điển và tra nghĩa tiếng Anh.
- Lắng nghe các đoạn đối thoại chuyên ngành tiếng Anh chuyên ngành
Một trong những cách cải thiện tiếng Anh chuyên ngành tốt nhất là nghe xem chúng được sử dụng như thế nào. Bạn có thể xem các đoạn video học tiếng Anh trên mạng, chú ý các tin tức có liên quan đến ngành nghề của mình. Video về các tình huống trong nhà khách sạn rất thú vị và dễ nghe sẽ giúp các bạn ghi nhớ và khắc sâu kiến thức của mình. Bạn sẽ để ý lắng nghe từ vựng và các câu mà từng vị trí nghiệp vụ hoặc khách hay sử dụng ví dụ khi khách gọi đồ ăn hoặc phàn nàn họ sẽ nói như thế nào, hoặc khi nhân viên giải quyết các phàn nàn của khách sẽ dùng các mẫu câu nào và qui trình ra sao.
Nếu bạn là một người thích học bằng hình ảnh thì phương pháp này là dành cho bạn. Internet luôn có những nguồn tài liệu cực kì phong phú. Bạn có thể tham khảo kênh FluentU với hàng trăm video về các lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, y học, công nghệ, chính trị, giáo dục…
Hãy dành thời gian mỗi ngày để giữ lửa đam mê, trau dồi kiến thức bằng cách xem video nhé. Đừng quá lo lắng khi bạn không hiểu gì trong những lần đầu tiên, hãy nghe và tìm ra các từ khóa được họ nhấn mạnh và lặp lại nhiều lần, sau đó, cố hiểu chúng theo ngữ cảnh hoặc dùng từ điển tiếng Anh để tra cứu. Các đoạn video sẽ giúp bạn cảm nhận được tình huống tốt hơn và như vậy bạn sẽ dễ dàng suy đoán được từ/ cụm từ trong các tình huống đó.
Nghe radio như một thói quen
Khi bạn không có điều kiện để theo dõi các video, hãy tận dụng khoảng thời gian trống của mình trong ngày để nghe radio. Bạn có thể nghe khi đang làm việc nhà hay trên đường đi làm. Trong thời đại công nghệ bùng nổ, radio vẫn là một trong những công cụ tuyệt vời để cập nhật tin tức mỗi ngày. Hãy nghe về những buổi trò chuyện về lĩnh vực bạn quan tâm. Những quan điểm, ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp bạn tăng vốn từ vựng khá nhanh.
Luôn luôn lắng nghe
Nếu bạn đang làm trong môi trường làm viêc tiếng Anh thì đây quả là môi trường lý tưởng để bạn cải thiện và nâng cao khả năng của mình. Trong khách sạn nhà hàng có người nước ngoài hãy lắng nghe họ nói chuyện, quan sát họ để học cách sử dụng từ ngữ, ngữ điệu, tiếng lóng, những thành ngữ, thuật ngữ chuyên ngành…
Ngoài ra Đọc cũng là một cách hay để tăng vốn từ chuyên ngành. Có rất nhiều cách và nguồn tài liệu để bạn thu thập các thuật ngữ này, ngoài báo chí, bạn có thể tìm đến những quyển eBook tổng hợp từ vựng tiếng Anh chuyên ngành và các giáo trình có liên quan đến chuyên ngành của mình.
Chúc các bạn thành công khi học tiếng Anh chuyên ngành đặc biệt là chuyên ngành khách sạn nhà hàng với những gợi ý nhỏ trên.
Tài liệu tham khảo:
- Trish Stott and Rod Revell (2010), Highly recommended Pre-intermediate, Oxford University Press.
- Francis O’Hara (2002), Be my guest, Cambridge University Press.
- Rene Tlatta (2008), English for restaurant workers, Compass Publising